Cao huyết áp khi mang thai

Cao huyết áp khi mang thai là một bệnh lý gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây ra chứng tiền sản giật. Huyết áp tăng trong thai kỳ cũng dễ dẫn đến nguy cơ sinh non. Sau đây mời các bạn tìm hiểu thêm về chứng cao huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Các loại cao huyết áp trong thai kỳ:
Cao huyết áp mạn tính: Thai phụ có thể đã bị cao huyết áp trước khi mang thai. Thường thì họ không biết mình đã bị cao huyết áp nhiều năm rồi cho đến khi ngẫu nhiên đo huyết áp khi có thai.
Tiền sản giật: chứng này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Mẹ và bé. Thường xảy ra ở các lần mang thai thứ hai trở đi. Chứng này gây ra cao huyết áp, tiểu đạm và một số vấn đề khác
Cao huyết áp mắc phải thoáng qua: Một vài sản phụ bị mắc chứng cao huyết áp khi gần sanh mà không bị tiền sản giật.
Cao huyết áp khi mang thai

Những ảnh hưởng của cao huyết áp lên thai kỳ:
Đối với cao huyết áp mạn tính: cao huyết áp làm cho bé chậm phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Những phụ nữ bị cao huyết áp mạn tính thường bị tiền sản giật. Đây là vấn đề rất nguy hiểm.
Ở những sản phụ bị tiền sản giật: cao huyết áp không phải là vấn đề chính. Vấn đề đáng quan tâm là những dấu hiệu về sức khỏe của cả mẹ & bé. Tiền sản giật có thể gây ra các vấn để ở não như đau đầu và động kinh, ở mắt như giảm thị lực, ở gan, ở máu và các cơ quan khác. Tiền sản giật làm cho thai nhi chậm phát triển. Ở những thai phụ có tiền sản giật công với động kinh, có nhiều nguy cơ gây thai chết lưu.

Lưu ý dành cho mẹ bầu bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng, trong đó tiền sản giật là nguy hiểm nhất, thậm chí cả tử vong cho mẹ và thai nhi. Có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp và 25% trường hợp đẻ non là do tăng huyết áp ở sản phụ. Chẩn đoán sớm tình trạng huyết áp là hành động có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khoẻ sản phụ, thai nhi, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Một số kiến thức cơ bản về tăng huyết áp mà mẹ bầu cần trang bị cho mình:
Dấu hiệu của sản phụ tăng huyết áp
Người ta chuẩn đoán tăng huyết áp dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự tăng huyết áp tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg thì được gọi là tăng huyết áp. Đối với bà mẹ có thai còn có một cách xác định khác, đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 30 mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15 mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai thì có nghĩa là bà mẹ đã bị tăng huyết áp.
Để biết chính xác xem mình có bị tăng huyết áp hay không, mẹ bầu phải sử dụng máy đo huyết áp. Tuy nhiên, thai phụ cũng có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh qua việc quan sát sức khoẻ của bản thân: có cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24.
Các nguyên nhân gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Chứng tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra: Tuổi của sản phụ quá cao (trên 35 tuổi), dòng họ có người bị bệnh, thai phụ quá cân, trước khi mang thai đã bị bệnh, chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, thiếu máu, mang thai đôi, thai phụ có nước ối quá nhiều, thời tiết thay đổi đột ngột.
Tăng huyết áp có thể do nguyên nhân độc lập với tình trạng mang thai hoặc nguyên nhân do thai. Tăng huyết áp có thể có sẵn trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi có thai, thậm chí chỉ xuất hiện khi có thai nếu đi kèm với phù và đạm niệu (có đạm trong nước tiểu) tạo nên một bệnh cảnh đặc biệt trong sản khoa gọi là hội chứng tiền sản giật – sản giật.
Cách phòng tránh
- Mẹ bầu nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi nhất.
- Tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày.
- Hạn chế dùng muối và các món ăn mặn.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu hay các chất kích thích.
- Nếu đã mắc chứng cao huyết áp trước khi mang thai, mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh, các loại thuốc đã dùng để bác sĩ điều chỉnh liều lượng và kê đơn phù hợp cho mẹ mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Càng gần đến cuối thai kỳ, bạn càng nên đi khám và đo huyết áp nhiều hơn.
- Cách phòng ngừa tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm và thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp trước khi mang thai, tránh mang thai khi còn quá trẻ hay đã quá lớn tuổi, điều trị ổn định các bệnh nội khoa trước khi mang thai.
cao huyết áp khi mang thai 2
Cách điều trị và kiểm soát tăng huyết áp
- Tư vấn trước sinh : Những phụ nữ bị tăng huyết áp trước khi mang thai cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát như bệnh lý thận, nội tiết, đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc, tư vấn về nguy cơ xuất hiện tiền sản giật. Phần lớn những phụ nữ bị tăng huyết áp đều có thể mang thai và sinh nở bình thường nếu họ được kiểm soát huyết áp tốt và được theo dõi chặt chẽ.
- Điều trị bằng thuốc: Tăng huyết áp thực sự cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Việc điều trị chủ yếu để phòng tránh biến chứng chảy máu nội sọ. Tuy nhiên không nên hạ huyết áp quá tích cực sẽ làm giảm tưới máu cho nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Đối với tăng huyết áp nhẹ đến vừa: Điều trị những trường hợp tăng huyết áp nhẹ và vừa có lợi cho mẹ hơn là cho thai nhi trong những ngày đầu của thời kỳ thai nghén. Một số phụ nữ đang được điều trị huyết áp từ trước thì đến giai đoạn này có thể giảm hoặc ngừng thuốc do trong nửa đầu của thai kỳ, huyết áp sẽ giảm một cách sinh lý. Tuy nhiên, sự giảm huyết áp này chỉ mang tính chất tạm thời, thai phụ cần được theo dõi sát và phải dùng thuốc lại khi cần thiết.
- Tăng huyết áp nặng: Nguy cơ bị biến chứng và tử vong cho mẹ trong những trường hợp tăng huyết áp nặng (HA trên 170/110 mmHg) và tiền sản giật vẫn còn cao. Điều trị hạ huyết áp không có tác dụng ngăn chặn tiền sản giật. Chỉ đình chỉ thai nghén mới có tác dụng trong trường hợp này nhưng điều trị hạ huyết áp lại có thể làm giảm biến chứng chảy máu nội sọ. Điều trị tăng huyết áp nặng bao gồm kiểm soát tốt huyết áp bằng các thuốc hạ áp đường tĩnh mạch và cố gắng duy trì quá trình thai nghén đến mức tối đa mà không gây ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi.
- Thời kỳ hậu sản và cho con bú: tăng huyết áp sau khi sinh cũng tương đối phổ biến. Những người bị tăng huyết áp từ trước có thể dùng lại phác đồ điều trị như trước khi mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ cho con bú không nên dùng thuốc lợi tiểu. Hầu hết các thuốc hạ huyết áp đều an toàn với phụ nữ cho con bú, chỉ có các thuốc như doxazosin, amlodipine và nhóm ức chế men chuyển là chưa có dữ liệu về độ an toàn.
Chế độ ăn uống cũng có tác dụng tốt trong việc điều trị tang huyết áp ở mẹ bầu. Sinh tố táo, sinh tố dưa chuột, các loại nước hoa quả như cam, chanh… rất tốt cho thai phụ cao huyết áp. Vitamin C có tác dụng kìm hãm sự căng thẳng của hệ thần kinh trung ương, làm dịu huyết áp, giúp tăng cường sinh lực và hỗ trợ lưu thông máu. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng những loại hoa quả thuộc họ cam quýt có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Vì vậy, bạn không nên sử dụng nhiều loại hoa quả này trong quá trình điều trị bằng thuốc, nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.

Bà bầu bị cao huyết áp cần lưu ý gì, thưa bác sĩ?

Hỏi: Tôi bị cao huyết áp, nếu sinh em bé thì trong quá trình mang thai và khi bé ra đời có sự cố gì không?
Thưa bác sĩ, Tôi 32 tuổi, bị cao huyết áp vô căn đã 6 năm từ khi mang thai cháu đầu ở tuần thứ 17. Trong thời gian mang thai bác sĩ cho tôi uống thuốc Dopegyt (cứ cách 6h uống 1 viên). Đến kỳ sinh tôi phải mổ đẻ để lấy thai. Sau sinh tôi kiểm tra huyết áp thì bình thường. Sau 3 năm thì lại bị tăng huyết áp vô căn, tôi đã khám và điều trị ở Viện tim mạch – BV Bạch Mai (HN).
Cho đến bây giờ tôi đã uống thuốc được 2 năm 6 tháng theo đơn của BV Bạch Mai. Tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi, tôi có thể sinh em bé thứ 2 được không? Nếu sinh bé thứ 2 trong quá trình mang thai và khi bé ra đời có sự cố gì không? Bởi tôi lo là uống thuốc trong thời gian dài như vậy liệu có vấn đề gì? Tôi cảm ơn bác sĩ nhiều! (Thúy Vinh)
Trả lời của bác sĩ sản khoa:
Bạn Thúy Vinh thân mến,
Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai. Có tới 15% phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và 25% trường hợp đẻ non là do cao huyết áp.
Mặc dầu nhiều phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp mang thai vẫn sinh em bé khỏe mạnh mà không có biến chứng gì nghiêm trọng, nhưng cao huyết áp khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con:
- Về thai nhi: Huyết áp cao ở mẹ có thể gây giảm lưu lượng máu đến nhau, sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cũng ít hơn cho thai nhi phát triển đưa đến các nguy cơ: thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, nhau bong non, thai chết lưu…
- Về mẹ: Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận và các cơ quan khác của người mẹ, nhưng biến chứng nguy hiểm hơn là phát triển tiền sản giật trên người mẹ có cao huyết áp trước đó.
Tuy nhiên, nếu huyết áp được kiểm soát tốt và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ thì phần lớn thai phụ bị tăng huyết áp đều có thể mang thai và sinh nở bình thường.
Do đó, nếu bị tăng huyết áp trước khi mang thai, bạn cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát như bệnh lý thận, nội tiết… đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc để đạt trị số huyết áp bình thường trước khi mang thai.
Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho bạn khi mang thai:
1. Báo cho bác sĩ điều trị biết ý định muốn có thai của bạn để bác sĩ thay đổi thuốc huyết áp phù hợp cho phụ nữ mang thai. Một số thuốc huyết áp không được dùng trong lúc mang thai như thuốc ức chế men chuyển chẳng hạn (zestoretic).
2. Thường xuyên dùng thuốc trị huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ít muối, tập thể dục thường xuyên và giảm cân để giữ huyết áp ổn định (nếu quá cân). Tránh dùng rượu và thuốc lá.
4. Khi mang thai, đi khám đều đặn theo lịch hẹn để theo dõi sát huyết áp và sự phát triển của thai nhi.
5. Nếu bạn bị nhức đầu, chóng mặt, có vấn đề về thị lực như nhìn mờ hoặc phù nhiều ở mặt, tay chân và tăng cân nhanh, đau nhiều ở vùng bụng trên… hãy đi khám ngay lập tức.
Share on Google Plus

About sieuthidochoimamnon

0 nhận xét:

Đăng nhận xét