Đừng tập cho con vô cảm

Nhiều phụ huynh gặp nhau than thở: "Sao con cái bây giờ sống vô cảm quá. Chúng chỉ biết yêu bản thân mình. Chẳng biết quan tâm ai". Nhưng họ không biết rằng nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm ấy lại bắt nguồn từ chính họ.

Dừng tập cho con vô cảm


* Cơn mưa rơi vào giờ cao điểm, con đường Tân Hòa Đông nước ngập lênh láng, dòng xe cộ túa ra chật như nêm. Một người đàn ông tầm ngoài sáu mươi tuổi, tóc bạc phơ, dáng người gầy ốm, gương mặt khắc khổ đang cố lái chiếc Cub 50 qua vũng nước. Nước mưa, nước từ mặt đường hất lên làm người ông ướt như chuột lột. Hai tay ông run rẩy giữ tay lái. Phía sau xe là cô con gái trong đồng phục học sinh THCS đang ngồi ung dung trong chiếc áo mưa kín đáo, vẻ mặt bình thản. Thi thoảng một vài xe máy khác chắn ngang, chiếc xe máy chao đảo nhưng cô gái vẫn không buồn bỏ bàn chân xuống đất chống xe giúp cha. Có lẽ cô sợ ướt chân. Đến gần ngã tư, gặp đoạn đường trũng, nước ngập gần nửa bánh xe. Chiếc Cub 50 tắt máy, ông già đành phải xuống xe dẫn bộ nhưng cô con gái vẫn ngồi thoải mái sau xe. Khi xe qua được khúc đường ngập, ông già vội quay ra sau kiểm tra xem con gái mình có bị ướt ở đâu không? Chỉ tiếc là cô con gái nhỏ không nhìn thấy cha mình ướt nhẹp và đang run lên vì lạnh.

* Sài Gòn hôm nay đầy nắng. Cái nắng gắt như thiêu như đốt khiến dòng người chạy bạt mạng hơn. Ai cũng muốn chạy cho nhanh để thoát khỏi cái nóng. Một người phụ nữ độ tuổi trung niên đeo trên vai chiếc ba lô thật lớn, tay còn xách giỏ trái cây. Phía sau bà là một thiếu niên. Cứ đi được một đoạn, người phụ nữ phải dừng lại nghỉ mệt. Bà lắc lắc cánh tay, xoay xoay bờ vai cho đỡ mỏi. Chiếc ba lô nặng oằn cả lưng. Chàng thiếu niên con bà bước lững thững, nhìn trời ngó đất. Cậu chẳng mảy may để ý đến những giọt mồ hôi đang thấm ướt vai áo mẹ. Chốc chốc thấy mẹ đi chậm hơn mình, cậu còn quay lại gắt gỏng: "Nhanh lên mẹ ơi! Mẹ làm gì mà đi chậm như rùa".

* Cầu thang chung cư vào giờ cao điểm. Thang máy chật như nêm, chỉ có thang bộ là rộng thênh thang. "Mẹ ơi! Mẹ bế con lên cầu thang đi. Con mỏi chân". Cô con gái khoảng năm tuổi, tròn như hột mít, phụng phịu không chịu đi. Người mẹ trẻ đành phải dừng lại, cúi xuống ẵm con lên. Có lẽ dáng người mảnh mai của người mẹ không chịu nổi sức nặng của cô con gái nhỏ. Bà mẹ trẻ lại đặt con xuống, thở hổn hển. Con bé khóc giãy giụa: "Bế con... bế con đi". Người mẹ lại chuyển sang tư thế cõng. Con bé thích thú nhún nhảy trên lưng mẹ. Gương mặt người mẹ trẻ tái đi vì mệt. Nhưng vì nghe tiếng cười của con, cô cố nở một nụ cười nhọc nhằn.

* "Mẹ chở con đi". Thằng bé dắt chiếc xe đạp ra, nói như ra lệnh cho mẹ. Gương mặt người mẹ biến sắc, trở nên giận dữ: "Con có phải là con trai không? Nghĩ sao năm nay 15 tuổi còn bắt mẹ chở. Mẹ mắc bệnh giãn tĩnh mạch, muốn mẹ chết sớm phải không?". Thằng nhỏ tái mặt, vội đổi giọng: "Mẹ ngồi lên đi. Con chở mẹ". Không biết người mẹ sau đó nói gì mà cậu con trai gật đầu lia lịa, vẻ như biết lỗi.

Có lẽ đây là câu chuyện mà tôi mong đợi nhất trong những ngày lang thang lượm lặt chuyện ngoài đường. Cha mẹ nào cũng yêu thương con. Nhưng chỉ yêu thương thôi chưa đủ. Để con không vô cảm với những vất vả, cực nhọc của mình, cha mẹ phải dạy con biết chia sẻ. Vì chia sẻ cũng là cội nguồn của tình yêu thương.

Theo PN
Share on Google Plus

About sieuthidochoimamnon

0 nhận xét:

Đăng nhận xét