Ngày trước, mẹ thường dặn nó không bao giờ được nói dối. Hằng đêm, mẹ vẫn kể câu chuyện về chú bé nói dối cay đắng nhìn con sói xơi tái đàn cừu. Suốt một thời thơ ấu, nó đã không dám mở miệng nói dối một lần nào. Vì mẹ bảo như thế là xúc phạm người khác, là làm hại người và làm hại cả mình. Cho đến khi nó lớn...
Nó quý mến một người con trai lớp bên. Và rồi nó nhận ra cậu ấy luôn dành nụ cười đẹp nhất cho một cô bạn xinh xắn khác. Về nhà, mẹ thấy trang giấy trước mặt nó ướt nhòe. Nó gượng cười: "Tại hôm nay... con bị điểm kém!". Mẹ xoa nhẹ vai nó, khẽ khàng: "Rồi sẽ trôi qua nhanh lắm con yêu à!".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hôm biết tin thi rớt đại học, nó cố lấy một vẻ mặt tươi tỉnh nói với mẹ: "Mẹ đừng buồn nhé! Do con chưa cố hết sức. Mẹ gắng đợi con một năm nữa. Năm sau con nhất định sẽ thi đậu một trường danh tiếng". Mẹ cũng mỉm cười: "Ừ, ráng lên con!". Thực ra, năm đó nó đã ôn miệt mài, thậm chí đến kiệt sức mà vẫn thiếu đến một điểm rưỡi. Đêm, nó nén tiếng khóc nấc nghẹn khi nghĩ đến cảnh bạn bè vui vẻ trên giảng đường. "Khóc đi con!", mẹ nằm xuống bên cạnh và ôm chặt nó.
Lần ốm nặng, nó nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và ngăn không cho ai báo tin về quê. Nằm trong bệnh viện, nó thấy cô đơn nhưng lòng vui vì không làm mẹ lo lắng.
Khi nó bước sang năm thứ ba đại học, em gái nó vào năm nhất. Từ đó, tháng nào về quê cũng có chị có em, khuôn mặt mẹ rạng rỡ theo những câu chuyện hai chị em kể. Thực ra, nói là về quê nhưng mục đích chính là nhận "học bổng" của mẹ. Một lần, trong lúc vội vàng vì sợ nhỡ tàu, cô em gái nhét vội "học bổng" vào túi áo khoác mỏng. Tàu chuyển bánh, đứa em nó giật bắn người khi sờ vào túi. Thế là đi tong hai triệu bạc! Nó gọi điện cho mẹ. Giọng mẹ lạc hẳn: "Kiếm được đồng tiền mẹ chảy cả nước mắt. Sao hai đứa coi nhẹ thế!". Khi nó suýt nghe thấy tiếng nấc của mẹ thì điện thoại tắt. Lần đầu tiên mẹ không nén được lời trách móc. Nó biết, như thế nghĩa là mẹ đang rất buồn, rất tiếc và thất vọng. Đợi một lúc, nó lấy hết dũng khí gọi lần thứ hai. Mẹ bảo mẹ đang tìm dọc đường về ga, giọng não nề. Nó vò đầu bứt tai, người đi lại nhiều như thế, làm sao mà còn... Hai triệu đối với gia đình nó là cả một khoản lớn. Nó khóc khi nghĩ đến cảnh mẹ phải chở từng xe hàng cồng kềnh ra chợ bán, cảnh mẹ cười mãn nguyện mỗi lúc kỳ kèo khách trả được thêm một ngàn đồng, cảnh hơn mười giờ đêm mẹ về nhà, mỗ hôi nhễ nhại...
Nó gọi điện cho mẹ, lần thứ ba. "May quá! Tụi con tìm thấy rồi mẹ à. Tiền kẹp trong ba lô mà tụi con cứ tưởng là bỏ trong túi áo khoác!". Giọng mẹ đầy nghi hoặc: "Bao nhiêu? Có mấy tờ một trăm nghìn?". Mẹ biết chị em nó vốn cẩu thả, lại vội vội vàng vàng nên không nhìn kỹ số tiền mẹ đưa. May sao, lúc trước cô em gái có liếc qua số tiền trước khi cho vào túi. "10 tờ hai trăm mẹ ạ!". Mẹ hỏi thêm một lần: "Có hai tờ một trăm mà!". Nó định "dạ" nhưng vội liếc sang em gái để tìm "phương án" chung, rồi nó khẳng định "10 tờ hai trăm mà!". Nó nghe thấy tiếng thở phào của mẹ: "Đúng rồi!". Nó cũng thở phào dù quãng thời gian một tháng trước mắt dài đằng đẵng. Thật khó để nói dối được mẹ. Có lẽ, chỉ duy nhất lần đó mẹ không nhận ra.
Nó tự hứa, đến lúc sung sướng, trong nhà dư dả tiền bạc, nó sẽ thú nhận với mẹ lần nói dối ấy. Nó biết, mẹ cũng từng nói dối. Rằng mẹ không đói, không khát, không thích, không buồn, không đau... Đến giờ nó mới hiểu, người yêu nhau, thương nhau thi thoảng cũng dành cho nhau những lời nói dối như thế.
Theo Phụ Nữ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét