Từ lúc sinh ra đến khi bé tròn 1 tuổi, các mẹ nên chia làm 2 giai đoạn chăm sóc bé: từ 0-6 tháng tuổi và từ 6-12 tháng tuổi. Mỗi giai đoạn có một chế độ dinh dưỡng khác nhau phù hợp với khả năng hấp thu và tiêu hóa của trẻ.
1. Giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi
Giai đoạn này, trẻ vẫn cón rất non nớt, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, bé chưa ăn được nhiều và cũng chưa thể tiêu hóa được các loại thức ăn dặm. Do đó, thời kỳ này, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn và không cần bất cứ loại sữa ngoài hay thức ăn thêm nào khác. Vì nguồn dinh dưỡng của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, vì vậy, người mẹ cần chú ý:
Không nên ăn kiêng vào giai đoạn này. Giảm bớt năng lượng hấp thu sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp sữa, đồng nghĩa với giảm bớt đi một dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Khẩu phần ăn của mẹ cần đảm bảo cân đối các chất đạm, vitamin, chất béo, chất khoáng.
Đặc biệt là mẹ nên duy trì việc bổ sung các loại thực phẩm giàu DHA giúp phát trí não cho trẻ như cá hồi, cá ngừ, dầu cá… và các dưỡng chất thiết yếu khác như choline, canxi, sắt… Không cần nạp quá nhiều chất béo, đường khiến cho việc tăng cân không cần thiết, chỉ cần cân bằng các nhóm dinh dưỡng.
Ngoài ra, thời gian này, nếu người mẹ phải dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ, nên có sự kê đơn của bác sĩ.
Mẹ nên cho trẻ bú bất kỳ khi nào trẻ muốn cả ngày lẫn đêm. Từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi nên chia nhỏ các cữ bú ra từ 8-12 lần giúp bé hấp thu tốt hơn, mỗi cữ từ 9-12ml. Từ tháng thứ 2 trở đi, cữ bú được chia nhỏ từ 6-8 bữa với lượng sữa từ 90-150ml, và từ tháng thứ 3 trở đi, chia nhỏ 5-6 cữ, mỗi cữ đảm bảo 120-210ml sữa.
Trường hợp người mẹ không thường xuyên ở cạnh bé, hãy cho bé bú đầy đủ trước khi đi làm, nên tranh thủ về buổi trưa cho bé bú và nên vắt sữa vào bình với lượng thích hợp như đã nêu và bảo quản trong tủ lạnh.
Đối với trẻ từ 4-6 tháng tuổi, các bà mẹ có thể cho trẻ ăn thêm sữa ngoài hoặc ăn dặm trong trường hợp trẻ vẫn đói khi bú mẹ và trẻ tăng cân chậm hơn bình thường.
Trong khi tập ăn bột, chế độ ăn phải đầy đủ các nhóm chất sau: Tinh bột (gạo, bột mì, ngôi, khoai), chất đạm (thịt, cá, trứng), nhóm thức ăn giàu năng lượng (lạc, vừng, dầu, mỡ), muối khoáng (sắt, canxi: tôm, cua, thịt đỏ…), vitamin (hoa quả tươi, rau xanh). Bột nên được chế biến thật loãng, giúp hệ tiêu hóa non nớt của trẻ tiêu thụ dễ dàng hơn.
2. Giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi
Giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, trẻ có thể hấp thu được một lượng thức ăn lớn hơn từ bên ngoài, bên cạnh sữa mẹ vẫn là nguồn dưỡng chất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn này như sau:
Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ cả ngày lẫn đêm và bất kể khi nào trẻ muốn. Bên cạnh đó, có thể cho trẻ bú thêmsữa công thức vì một số dưỡng chất quan trọng ít hơn trong sữa mẹ nhưng lại giàu trong sữa công thức và thời gian này trẻ có thể hấp thu được.
Bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho trẻ ăn thêm, chủ yếu là bột với các nhóm thức ăn đầy đủ dưỡng chất và có khả năng giúp trẻ hấp thụ tốt nhất bao gồm tinh bột, đạm (protein), khoáng chất, năng lượng và vitamin.
Mẹ có thể nghiền nhỏ hay ninh nhừ các loại thịt, lấy nước và thịt đó quấy bột. Trong khi quấy bột, nên giã nhỏ các loại rau như rau dền, rau ngót, rau cải… kèm với một thìa dầu ăn cho vào nồi bột. Nhiều loại vitamin chỉ tan được trong dầu mỡ, vì vậy, để trẻ hấp thu tốt nhất dưỡng chất, đừng bỏ qua bước này.
Về các bữa ăn, nên cho trẻ ăn 3 bữa/ngày nếu trẻ vẫn còn bú mẹ và 5 bữa/ngày nếu trẻ không còn bú. Bên cạnh các bữa chính, mẹ cũng nên cho trẻ ăn thêm các loại trái cây phù hợp vào các bữa phụ để cung cấp thêm nguồn vitamin và dưỡng chất quan trọng cho trẻ.
Ban đầu có thể ép nước các loại trái cây này cho trẻ uống. Sau đó, mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp các loại trái cây mềm như chuối, dưa hấu, hồng xiêm…
Năm đầu đời là giai đoạn phát triển rất quan trọng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi hợp lý sẽ giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, cân nặng tối ưu và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét