Làm thế nào để có một bữa ăn hợp lý mà vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày là vấn đề được hầu hết mọi người quan tâm đặc biệt là những bà nội trợ.
1. Dinh dưỡng hợp lý
Con người một ngày cần sử dụng rất nhiều năng lượng cho các hoạt động của cơ thể và lao động. Năng lượng tiêu hao của cơ thể được bù đắp bởi lượng dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp hàng ngày. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao sau một ngày hoạt động và lao động nhiều, cơ thể chúng ta thường cảm thấy đói hơn và ăn nhiều hơn. Có thể tính lượng chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể có đủ hay không dựa vào công thức sau:
P = 50 + 0,75 (T-150)
Trong đó P là trọng lượng lý tưởng (kg), T là chiều cao (cm). Do đó nếu như sau một thời gian lao động và ăn uống ở một mức nhất định mà P không thay đổi nhiều nghĩa là lượng thức ăn đã phù hợp với mức lao động.
Một bữa ăn hợp lý cần phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể về các chất dinh dưỡng. Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lí có lợi cho sức khỏe thì điều đầu tiên quan trọng nhất là khẩu phần ăn phải đáp ứng được nhu cầu và tính cân đối của các chất dinh dưỡng như Protein, lipit, gluxit, vitamin và các chất khoáng.
Bình quân mỗi người cần cung cấp 2300 kcalo mỗi ngày, tối thiểu là 2100 kcalo. Trong số đó cần phải cân đối giữa các loại chất dinh dưỡng với nhau, protein cần 12%, lipit 18%, 70 % gluxit. Các trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 3 tuổi cần bổ sung thêm lượng kcalo cung cấp hằng ngày để phát triển tốt.
2. Cân đối các loại thực phẩm
Cân đối giữa các loại thực phẩm là yêu cầu để phát triển toàn diện. Không nên vì sở thích riêng mà ăn quá nhiều hoặc quá ít một loại thức ăn nào đó. Bạn nên có một kế hoạch ăn uống chừng mực, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường…
Bữa ăn hàng ngày nên có đủ thịt cá và rau quả tươi. Điều quan trọng nhất khi chế biến các món ăn hằng ngày cho gia đình là các món hợp khẩu vị và khả năng tiêu hóa của từng người trong gia đình. Nên hạn chế nấu các đồ ăn mặn, cay khi nhà có trẻ nhỏ hoặc nấu thức ăn mềm nếu như trong nhà có người già hoặc người bệnh.
3. Đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày
Bữa cơm là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với các thành viên trong gia đình vì đây là quãng thời gian tất cả các thành viên trong gian đình quây quần bên nhau chuẩn bị và thưởng thức các món ăn. Để đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại chất dinh dưỡng cần thiết, bạn cần phối hợp nhiều các loại thực phẩm khác nhau vì không một thực phẩm thiên nhiên nào có thể hoàn hảo tới mức cung cấp đầy đủ mọi chất dinh dưỡng.
Hơn nữa việc thay đổi các món theo bữa cũng là cách bạn khiến cho bữa ăn gia đình mình thêm phong phú hơn, mọi người có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Các món ăn có thể là món mặn, xào, canh, tái, lăn, tráng miệng,…
Ngoài ra, bữa ăn hàng ngày nên tăng cường sử dụng các loại rau, củ, quả trái cây tươi vì đây là nguồn thực phẩm tốt, chứa nhiều vitamin giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và giàu chất xơ, thuận lợi cho tiêu hóa. Bên cạnh đó chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, duy trì sự trẻ trung…
4. Một số loại thức ăn cần hạn chế
Tùy vào đặc điểm, sở thích của từng người mà có khả năng tiêu hóa và hấp thụ tốt các loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên bữa ăn hàng ngày hợp lý đầy đủ chất dinh dưỡng cần hạn chế sử dụng đường tinh, chỉ sử dụng 20 g/ngày/người. Đồ ăn cần nấu nhạt để phòng chống nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, trung bình mỗi ngày 1 người chỉ nên sử dụng dưới 6 g muối.
Là người nội trợ thông minh, hãy biến bữa cơm hằng ngày trở thành sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình cũng như nơi cung cấp năng lượng cho mọi người sau một ngày dài hoạt động và lao động bạn nhé
0 nhận xét:
Đăng nhận xét