Trẻ trong tuổi đến trường mầm non rất cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Chế độ ăn uống cân bằng sẽ cung cấp cho trẻ đủ các vitamin cần thiết. Tuy nhiên ở lứa tuổi hiếu động này, đôi khi thật khó đạt được điều đó bởi phần lớn các trẻ đang trải qua giai đoạn ăn uống khó khăn và kén chọn. Dưới đây là một số gợi ý dinh dưỡng giúp mẹ chăm sóc bé tốt hơn.
Tạo sự thú vị cho bữa ăn
Mẹ đừng quá nôn nóng, hãy giữ bình tĩnh và quan sát bữa ăn của trẻ để “đong đếm” cảm xúc ăn uống của trẻ. Từ đó, hãy để cho trẻ quyết định sẽ ăn bao nhiêu. Cần tin vào trẻ vì trẻ biết mình thèm thứ gì, cần phải ăn bao nhiêu.
Mẹ cần quan sát cảm xúc khi ăn của bé để điều chỉnh cho phù hợp - Ảnh: Getty Images
Cho trẻ ăn ba bữa chính và hai hoặc ba bữa nhẹ bằng thức ăn bổ dưỡng. Ví dụ: bánh mì bơ đậu, bánh ngọt, bánh nướng, hoặc bánh bao với một ly sữa, sữa chua với hoa quả hoặc trái cây lát, trái cây tươi và sinh tố, bánh sandwich…
Hãy thường xuyên ăn cùng trẻ những món bạn muốn trẻ ăn. Hãy khuyến khích trẻ bằng cách cho ý kiến tích cực về các loại thực phẩm trong bữa ăn như, “ngon quá”, “Đây là món ăn yêu thích của mẹ”.
Tạo sự thú vị và vui vẻ cho bữa ăn của trẻ. Các bữa ăn vừa ngon vừa được trang trí bắt mắt sẽ khiến trẻ vừa ngon miệng vừa tiêu thụ được các chất dinh dưỡng. Món tráng miệng là một phần quan trọng của bữa ăn. Ví dụ: salad trái cây với sữa chua, bánh hấp, trái cây, bánh sữa trứng, bánh gạo…
Tôn trọng sở thích của trẻ nhưng nên cho trẻ ăn món giống mọi người trong gia đình và có ít nhất một món trẻ thích.
Chọn thực phẩm cho bé
Hãy cho bé ăn các món ăn từ bốn nhóm thực phẩm bổ dưỡng mỗi ngày:
Thực phẩm giàu tinh bột (hydrate-cacbon)
Ngũ cốc, mì ống, gạo, khoai tây, khoai lang, khoai mỡ, chuối và bất cứ loại thực phẩm nào làm từ bột như bánh mì, bánh quy giòn, bánh nướng, bánh trứng nướng…
Trái cây và rau cải
Trẻ nhỏ có thể mất một thời gian để học cách ăn rau cải. Hãy cho trẻ ăn kèm trong mỗi bữa ăn để trẻ biết rằng rau cải luôn là một phần của bữa ăn bình thường. Cắt nhỏ trái cây cho trẻ cầm trên tay để ăn dễ dàng hơn và thường xuyên cho trẻ ăn trái cây như bữa phụ.
Thường xuyên cho bé ăn trái cây để bé quen dần - Ảnh: Getty Images
Thực phẩm giàu chất sắt và protein
Cho trẻ ăn một hoặc hai bữa mỗi ngày, gồm thịt, cá, trứng, các loại hạt và đậu như đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen… Chọn xúc xích, thịt viên và bánh mì kẹp thịt có hàm lượng thịt nạc cao và hàm lượng muối thấp.
Sữa tươi, pho mát và sữa chua
Hãy cho trẻ ăn những thực phẩm này khoảng ba lần một ngày. Các sản phẩm từ sữa cung cấp nhiều canxi cho xương phát triển, nhưng rất ít chất sắt. Không nên cho trẻ uống quá 350ml sữa trong một ngày. Uống nhiều sữa sẽ làm cho trẻ không muốn ăn các loại thực phẩm khác, nhất là những món có hàm lượng sắt cao.
Chỉ cho trẻ uống nước ép trái cây sau giờ ăn, vì axit trong nước trái cây có thể làm hỏng răng khi trẻ uống giữa bữa ăn hoặc uống nhiều lần trong ngày.
Những thực phẩm cần hạn chế
Thực phẩm giàu chất béo và đường (gồm các loại thực phẩm như bơ, bơ thực vật, dầu, bánh ngọt, bánh quy và kem). Cho trẻ ăn với số lượng nhỏ để tránh bị thừa cân.
Hạn chế cho bé ăn các loại bánh ngọt để tránh bị thừa cân - Ảnh: Getty Images
Đồ ngọt, sô cô la và các loại thực phẩm có đường khác thỉnh thoảng có thể ăn, nhưng nếu ăn thường xuyên trẻ có thể bị hư răng.
Viện dinh dưỡng khuyến cáo chỉ 2g muối mỗi ngày (tương đương với 0,8g natri) cho trẻ mầm non.
Dầu cá, các loại hạt, phụ gia và chất làm ngọt, các loại thực phẩm nhiều chất xơ.
Cá lớn sống lâu năm, như cá mập, cá kiếm… có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Trà và cà phê làm giảm sự hấp thu sắt từ thực phẩm.
Đồ uống có gas có thể làm hỏng răng của bé, cần hạn chế cho bé sử dụng thực phẩm này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét